Tại Việt Nam, vì nguồn lực còn hạn chế, nhiều công ty khởi nghiệp và hộ kinh doanh nhỏ lẻ không có nhiều cơ hội để tiến hành nghiên cứu, thấu hiểu các kiến thức Pháp lý – Thuế – Kế toán ngay từ những ngày đầu tiên.
Với nhiều năm kinh nghiệm tư vấn trong lĩnh vực pháp lý doanh nghiệp, ASCTAX CO.,LTD chúng tôi nhìn thấy và thấu hiểu những trăn trở của các Start-up trong giai đoạn khởi nghiệp chính là các vấn đề liên quan đến pháp lý ban đầu, thuế, kế toán … Vậy, để điều hành và quản lý được doanh nghiệp, người kiến tạo cần bắt đầu tìm hiểu từ đâu và thực hiện như thế nào để tuân thủ pháp luật hiện hành?
Căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, ASCTAX xin được tóm tắt các vấn đề cơ bản và quan trọng cần chuẩn bị khi thành lập công ty tạị TP. Hồ Chí Minh nói riêng hay bất kỳ tỉnh thành nào trong nước nói chung.
LỰA CHỌN LOẠI HÌNH DOANH NGHIỆP
Tùy thuộc vào quy mô, định hướng, số lượng thành viên tham gia vào hoạt động kinh doanh thì việc xác định loại hình sẽ khác nhau. Từ đó, các trách nhiệm pháp lý phát sinh ở mỗi loại hình doanh nghiệp là không giống nhau. Dưới đây là một số loại hình doanh nghiệp phổ biến được chủ doanh nghiệp lựa chọn khi thành lập:
LOẠI HÌNH TIÊU CHÍ | DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN | TNHH MỘT THÀNH VIÊN | TNHH HAI THÀNH VIÊN TRỞ LÊN | CỔ PHẦN |
CHỦ SỞ HỮU/ THÀNH VIÊN | Một cá nhân. | Một tổ chức hoặc một cá nhân. | Từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. | Từ 03 và không hạn chế số lượng tối đa là tổ chức, cá nhân. |
VỐN ĐIỀU LỆ | Do chủ doanh nghiệp tự đăng ký. | Là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty. | Là tổng giá trị phần vốn góp của các thành viên cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty. | Là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty. |
PHẠM VI TRÁCH NHIỆM | Chủ Doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm vô hạn trước mọi khoản nợ trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp tư nhân. | Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ. | Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. | Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. |
TƯ CÁCH PHÁP NHÂN | Không có tư cách pháp nhân. | Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. | Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. | Có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. |
LỰA CHỌN TÊN DOANH NGHIỆP DỰ KIẾN
- Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự Loại hình doanh nghiệp - Tên riêng, theo đó:
- Loại hình doanh nghiệp:
- Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn: “Công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “Công ty TNHH”;
- Đối với công ty cổ phần: “Công ty cổ phần” hoặc “Công ty CP”;
- Đối với công ty hợp danh: “Công ty hợp danh” hoặc “Công ty HD”;
- Đối với doanh nghiệp tư nhân: “Doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN”
- Tên riêng:
Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
Ví dụ: CÔNG TY TNHH ASCTAX (CÔNG TY TNHH là loại hình DN, ASCTAX là tên riêng)
- Những điều CẤM khi lựa chọn tên doanh nghiệp:
- Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
- Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
- Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký:
“1. Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.
2. Các trường hợp được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký bao gồm:
a) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;
b) Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
c) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
d) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
đ) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”;
e) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
g) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;
h) Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.”
- Doanh nghiệp có thể kiểm tra việc trùng tên hay không tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: https://dangkykinhdoanh.gov.vn hoặc liên hệ trực tiếp chúng tôi để được hỗ trợ tra tên hoàn toàn miễn phí.
CHỌN ĐỊA CHỈ LÀM NƠI ĐĂNG KÝ TRỤ SỞ DOANH NGHIỆP
Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính được xác định một cách chính xác gồm:
Số nhà, ngách, hẻm, ngõ, đường phố/tổ/xóm/ấp/thôn
Xã/Phường/Thị trấn
Quận/Huyện/Thị xã/Thành phố thuộc tỉnh
Tỉnh/Thành phố
Ví dụ: T1-A03a.18, Officetel M-One, Số 35/12 Bế Văn Cấm, Phường Tân Kiểng, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh.
LƯU Ý
- Theo quy định pháp luật nhà ở 2014 thì không được đặt địa chỉ công ty tại căn hộ chung cư dùng để ở. Do đó, nếu địa chỉ dự định thuê làm trụ sở công ty là căn hộ chung cư thì cần kiểm tra xác minh xem có chức năng sử dụng thương mại, ví dụ như: Officetel, Shophoue, …
- Địa chỉ công ty là tài sản nằm trong quyết định thi hành án của các cơ quan có thẩm quyền, đang xảy ra tranh chấp, khu vực đã, đang và sẽ sắp được quy hoạch, tái định cư thì cũng không được làm trụ sở công ty vì không phù hợp với quy định pháp luật.
XÁC ĐỊNH VỐN ĐIỀU LỆ KHI ĐĂNG KÝ, VỐN PHÁP ĐỊNH
- Vấn đề về đăng ký bao nhiêu VỐN ĐIỀU LỆ thì theo quy định hiện hành chưa bắt buộc về số vốn tối đa và số vốn tối thiểu.
- Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
- Tại thời điểm thành lập công ty, chủ doanh nghiệp có thể đăng ký vốn điều lệ cao hơn số vốn thực có của các thành viên góp vốn và dự phòng kế hoạch huy động đủ vốn từ thành viên trong vòng 90 ngày. Tùy vào từng ngành nghề kinh doanh và tình hình tài chính mà chủ doanh nghiệp nên cân nhắc mức vốn điều lệ phù hợp để đủ kinh phí duy trì hoạt động kinh doanh và lập dự phòng rủi ro cho công ty trong những năm đầu hoạt động.
- Tuy nhiên, một số ngành nghề yêu cầu vốn pháp định BẮT BUỘC PHẢI CÓ XÁC NHẬN NGÂN HÀNG khi thành lập doanh nghiệp, có thể kể đến:
- Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài: 5 tỷ VNĐ theo điều 3 Nghị định 38/2020/NĐ-CP;
- Hoạt động mua, bán vàng miếng: 100 tỷ VNĐ theo điều 11 Nghị định 24/2012/NĐ-CP;
- Sản xuất phim: 200 triệu VNĐ theo Điều 3 Nghị định 142/2018/NĐ-CP
- Kinh doanh vận chuyển hàng không: theo điều 8 Nghị định 92/2016/NĐ-CP:
“1. Mức vốn tối thiểu (bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay) để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hàng không:
a) Khai thác đến 10 tàu bay: 300 tỷ đồng Việt Nam;
b) Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 600 tỷ đồng Việt Nam;
c) Khai thác trên 30 tàu bay: 700 tỷ đồng Việt Nam.
2. Mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung: 100 tỷ đồng Việt Nam.”
…
CHỌN NGÀNH NGHỀ ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG CHO DOANH NGHIỆP
- Theo quy định, doanh nghiệp có quyền kinh doanh bất cứ ngành nghề nào mà pháp luật không cấm và cần đăng ký với cơ quan Đăng ký kinh doanh trước khi hoạt động. Tuy nhiên, một số ngành nghề khi kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp cần đáp ứng đủ điều kiện trước hoặc sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà pháp luật quy định chẳng hạn như: điều kiện về cơ sở vật chất, vốn, năng lực chuyên môn của chủ doanh nghiệp, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm…
Ví dụ:
- Một số ngành nghề kinh doanh yêu cầu đối với một số ngành nghề kinh doanh như: Kinh doanh dịch vụ cầm đồ, Kinh doanh dịch vụ xoa bóp, Kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, Kinh doanh dịch vụ in…
Cơ sở pháp lý: Nghị định 96/2016/NĐ-CP Quy Định Điều Kiện Về An Ninh, Trật Tự Đối Với Một Số Ngành, Nghề Đầu Tư Kinh Doanh Có Điều Kiện
- Kinh doanh dịch vụ ăn uống (bao gồm: cửa hàng; quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín; nhà hàng ăn uống; căng tin; cơ sở chế biến suất ăn sẵn; bếp ăn tập thể) yêu cầu chủ cơ sở phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm
Cơ sở pháp lý: Luật an toàn thực phẩm, Nghị định số 155/NĐ-CP.
- Doanh nghiệp có thể tìm hiểu, tra cứu và đăng ký ngành nghề phù hợp với ngành mình hoạt động trong hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTG. Người thành lập doanh nghiệp được quyền tự lựa chọn ngành, nghề kinh doanh dựa vào quyết định, sau đó ghi mã ngành, nghề theo mã ngành cấp 4 trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nêu (trừ các ngành, nghề cấm kinh doanh) hoặc liên hệ trực tiếp chúng tôi để được tư vấn hỗ trợ về mã ngành nghề hoàn toàn miễn phí.